Tuyết Tùng

Tấm ảnh này trông có vẻ bình thường, nhưng với mình, hay mẹ, thì nó thực sự khác biệt, và nó làm mình có cảm giác muốn khóc.


Đó là mẹ, đứng đó với những thành tựu của đời mình, với “cái nghiệp” mà mẹ đang mang sau hơn 18 năm ở nhà chăm sóc chồng con, sau hơn 18 năm ở nhà đợi chồng mang tiền về nuôi. Ba không cho mẹ đi làm, ba ghen, dù gia đình mình nghèo, bữa cháo bữa rau, không đủ tiền sắm lấy một thiết bị tiện nghi trong nhà, nhưng quyền lực và sự độc tài của người đàn ông thường thắng thế, nên mẹ không được đi làm. [Mình không có ý “chê trách”, vì mình cũng “quyền lực và độc tài” các bạn ạ]

Năm 23 tuổi mẹ vào Nam theo ba, thời ấy đang là bộ đội ra Bắc đánh trận, xong nhiệm vụ trở về. Ngày ra đi, mẹ bỏ lại chiếc ghế Hiệu Phó một trường Trung Học đang chờ và một buổi lễ Kết Nạp Đảng sắp diễn ra, sự nghiệp của một người con gái bị vỡ vụn để hy sinh cho tình yêu chân chính. Vào Nam tưởng được bình yên, đâu có ngờ mẹ cũng lại cam chịu quá nhiều khổ sở, trải qua bao nhiêu nghèo đói, va chạm và buồn khổ, để bây giờ nhìn lại mới thấy mình thực sự đã can đảm thế nào…


Năm mình 18 tuổi, mẹ quyết định đi làm. Kinh tế xuống dốc, tài chính gia đình có dấu hiệu bị ….over nên ba quyết định chấp nhận cho mẹ đi làm. Mà làm gì ? Bỏ dạy học 18 năm nay liệu mẹ có còn quay lại con đường cũ, bằng cấp từ thời chiến tranh cộng với 18 năm bỏ nghề, mẹ có được một việc làm tươm tất ? Những ngày đó ba mẹ cãi nhau rất nhiều, những cuộc đấu khẩu diễn ra triền miền trong việc “chọn nghề” cho một “đứa trẻ” là mẹ, ba không muốn mẹ làm những việc “tiếp xúc” với đàn ông nhiều, không muốn mẹ gặp đàn ông, không muốn mẹ nói cười với ai cả. Trời ơi, đã ở gần cái tuổi 50, mà người ta còn có thể ghen như thế chăng, trong cuộc đời mình chưa từng gặp bất kỳ một ai yêu nhau đã hai mấy năm mà vẫn ghen tuông nhiều như ba mẹ, những khoảng trống, sự xa cách cứ ngày một tăng giãn theo những cuộc cãi vả, mà kết quả chỉ là hư vô, nước mắt và sự im lặng. Nhưng không sao, vì đó là tình yêu, và vì đó là ba mẹ…

Mẹ đi làm. Một chân chạy việc trong hội phụ nữ của khóm. Cách đây đúng 5 năm. Lương tháng 200 ngàn, mẹ đi khắp nơi trong khóm, trong xã để tuyên truyền, vận động, dạy học này nọ. Những tháng ngày này lại cũng những cuộc cãi vả xảy ra, lại nước mắt, lại thôi. Sau đó thì ba đã bắt đầu “bình tĩnh” trở lại và tập làm quen với những gì mẹ có: một công việc, những mối quan hệ. Làm quen với những “hộp bao cao su” mẹ mang về nhà trong các đợt tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình, làm quen với những người đan ông đến xin những hộp bao cao su đó, làm quen với những buổi tối mẹ thức thâu đêm làm thống kê, báo cáo, chứ không phải ngồi xem ti vi lo trà nước cho chồng con, làm quen với cảnh những người phụ nữ nghèo tay xách nách mang đem con suy dinh dưỡng đến cho mẹ khám bệnh, làm quen với cảnh mẹ nói nói cười cười với nhiều người, đi hòa giải cho những gia đình có chồng bạo hành vợ, đi đến các quán rượu khuyên các ông chồng, làm quen với việc mẹ thỉnh thoảng cũng phải thức khuya, dậy sớm, thỉnh thoảng cũng phải đi làm qua buổi trưa, đi dự tiệc, hội thảo. Quả thật 18 năm đi đâu làm gì về cũng có 1 người đợi sẵn ở nhà bỗng chốc thấy họ bận rộn chắc ba cũng…ghét, và hay bảo “lương có 200k/tháng mà làm cực quá thì làm làm gì…”

Ừ, thì có gì đâu. 200 ngàn một tháng không đủ cứu vãn nền “kinh tế gia đình” bé mọn, nhưng 200 ngàn một tháng là quà tặng thêm, còn quà tặng chính là mẹ đã bắt đầu có được cái nghề cho riêng mình, bắt đầu cũng đóng góp thêm miếng ăn cho gia đình, cũng bắt đầu để dành mỗi tháng 200 ngàn tiền đóng tiền học cho con, và bắt đầu như thế. Âu cũng là ….vui, làm gì có khái niệm nào đúng hay sai trong những chuyện này, mẹ ở nhà nội trợ cũng đúng, mẹ đi làm cũng đúng, ba biết tự hào về những thành tựu mình đạt được, biết hãnh diện vì chiếc thẻ đảng, biết vui mừng khi nhận bằng khen của Bộ trưởng cho 20 năm đóng góp xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, mẹ cũng muốn có, chắc không có gì sai. Cuối cùng thì ba cũng hiểu, mẹ cũng vui, và quan trọng là hạnh phúc gia đình không bị ảnh hưởng gì nữa cả…

Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày mẹ đi làm. Mẹ đi làm ở khóm, rồi ở xã, rồi lên Phường. Mẹ bắt đầu nhận được nhiều việc hơn, mẹ nhận mỗi nơi một ít, trong phường có những chuyện không ai làm thì mẹ nhận làm, kiếm thêm. Mẹ nhận cả việc “dọn toilet” cho ủy ban phường để kiếm thêm mỗi tháng vài trăm, mẹ về kể tỉ tê cho mình nghe, rồi dấm dúi bảo “đừng cho ba biết, ba chửi mẹ”, mình cũng không biết nói sao…

Rồi những người như mẹ: khéo léo, biết ăn nói, có chút “thảo mai”, hay cười, luôn luôn chiếm được cảm tình của đối phương. Sự nghiệp của mẹ tăng nhanh hơn bao giờ, và nhanh hơn những người khác. mẹ bắt đầu có một chỗ đứng vững chắc trong ủy ban, tiếng nói có chất lượng, người dân ai cũng quý mến và tôn trọng mẹ. Mẹ mang về lần lượt những chiếc bằng khen, 1 cái, 3 cái, 8 cái, rồi mười mấy cái, ba cũng bắt đầu làm quen với điều đó và tự hào vì mẹ. Rồi mẹ được vào Đảng, ngày vào Đảng dự bị mẹ gọi lên báo tin mừng, một năm sau vào Đảng chính thức, gọi lại chúc mừng mẹ mà nghe muốn khóc. ừ thì, có thể đối với giới trẻ ngày nay, đó ko còn là những giá trị đáng để theo đuổi, nhưng với thế hệ của mẹ, thì đó là một niềm vinh dự và một sự khích lệ rất lớn, mẹ cảm thấy tự hào, và gia đình mình cảm thấy tự hào…

Gia đình Ngoại xưa ở Vĩnh Phúc, nay ở Hà Nội. Đúng 27 năm xa nhà mẹ về thăm được 5 lần. Những lần gần đây nhất, khi kinh tế gia đình đã bớt khó khăn, mẹ cũng phải dành dụm hơn nửa năm trời mới đủ tiền cho một chuyến đi ra thăm bà Ngoại. bà ngoại càng ngày càng yếu, mẹ đi thăm vừa mừng vừa tủi, lúc nào cũng cảm thấy “tội lỗi” với các con vì mẹ xài nhiều tiền quá, mấy đứa đừng trách mẹ….

Trở lại tấm hình này, đây là lần đầu tiên mẹ có được một chuyến công tác ra Hà Nội miễn phí – không mất tiền, nhân dịp lễ mít tinh của ngày Dân Số Thế Giới. Cả tỉnh chỉ có 5 người được đi, và mẹ là một trong những số đó. Làm việc xuất sắc, thành tích cao, 5 năm miệt mài của mẹ được đền đáp xứng đang bằng những điều mà mẹ mong đợi. Một vị trí tốt, một công việc làm mẹ hạnh phúc, một gia đình êm ấm.


Bằng khen của chủ tịch quốc hội, quà tặng của chủ tịch quốc hội, lại cũng là những giá trị mà giới trẻ sẵn sàng bỏ qua, nhưng là những điều mà mẹ rất trân quý. Nhưng món quà mà mẹ quý nhất chính là một chuyến ra thăm bà Ngoại được đài thọ miễn phí, lần thứ 6 được gặp lại “mẹ mình”, một niềm vinh hạnh mà công việc đã mang lại cho mẹ, làm mẹ mừng không tả xiết. Sự hạnh phúc này khó mà có thể diễn tả bằng lời nói hay ngôn ngữ, mà phải được bật lên bằng những giọt nước mắt của sung sướng, của những điều phi vật chất không chạm vào được…

Mẹ về, và vẫn làm vậy. Vẫn nhận những công việc mà “không ai thèm làm” , vẫn chịu một mức thù lao nho nhỏ chỉ đủ gọi là củng cố tinh thần, nhưng công việc đem lại cho mẹ niềm vui, vinh dự và sự thỏa mãn trong tâm hồn. Có vậy mới biết, cái nghiệp mà chúng ta theo đuổi, dù cho mang lại cho chúng ta quá nhiều tiền, mà không mang lại hạnh phúc, thì đó cũng chỉ là ảo ảnh. Còn mẹ, sau tất cả những gì mẹ hy sinh, cuối cùng cũng có được một công việc làm hạnh phúc trái tim mình…

Bonus: Hình bà quại tớ đây, hê hê

IMG_1547 by you.
Labels: | edit post
3 Responses

  1. Unknown Says:

    nè bạn, mình rất thik blog của bạn, những suy nghĩ sâu sắc, có chát xám. mình có thể kết bạn ko hè, mình chẳng biết gì về blog hết, bởi vậy, nếu có nhã hứng, bạn liên lạc với mình qua YM nha. waiting_for_a_better_day@y.c


  2. Unknown Says:

    ah, mình tình cờ đọc blog của bạn là do mình search các album của Secrect Garden. Ổ cứng hư, nên toàn bộ file nhạc mất hết, giờ tìm down lại toàn bộ các album của SG. nhưng tìm ko thấy, thời thế thay đổi rồi