Tuyết Tùng

Ngày đầu tiên - Quyển sách thứ 9 của Marc Levy mà mình đọc. Nó nhắc cho mình biết, không có gì là vĩnh cửu.

photo

Không có gì là vĩnh cửu, kể cả tình yêu đối với một tác giả văn học nào đó. Nhất là khi chúng ta đã lớn lên, trưởng thành, thôi mơ mộng, trở nên khó khăn và lạnh nhạt hơn với những giá trị mà mình từng yêu quý. Là ta thay đổi, hay vạn vật thay đổi, hay cả hai, mà ta đang mất dần những khát vọng cũ để thay vào đó bằng những điều mới hơn? Như ngôi sao của Ngày đầu tiên đã xa cách chúng ta 400 triệu năm, và vĩnh viễn sẽ không thể nào tồn tại nữa…

Nhưng có một thứ duy nhất là vĩnh cửu, đó chính là “ký ức”, và sự tiếp nối của những thế hệ đi tiếp nhau, khi chúng ta lớn lên và để lại những quyển sách đằng sau, rất có thể, con cháu chúng ta sẽ lại trưởng thành lên với những niềm mơ mộng gắn bó với nó, như mình đã từng yêu Marc Levy, đã từng yêu Kiếp Sau, Em ở đâu, Bạn tôi tình tôi, Nếu em không phải một giấc mơ, Những đứa con của tự do…

http://chezvicky.be/files/2009/08/marc-levy-le-premier-jour.jpg

Ngày đầu tiên là quyển tiểu thuyết thứ 9 của Marc Levy, quyển này đi chung với “Đêm đầu tiên” tạo thành bộ đôi “Ngày đầu tiên – Đêm đầu tiên”, là tiểu thuyết thuộc thể loại “phiêu lưu kỳ ảo”, khá giống với dạng “tiểu thuyết diễm tình” pha lẫn với kỳ bí, vốn là sở trường của Marc Levy từ trước đến giờ, nhưng có một số đặc điểm mới hơn và… khó hơn, bởi sự logic của nó phải đạt đến đỉnh cao trong cách bố cục truyện, phân loại và hệ thống các chi tiết để quyển tiểu thuyết đạt đến sự hoàn hảo. Theo một cách nào đó, và với sự kỳ vọng của mình, thì Marc Levy đã khá thất bại…

Cho đến bây giờ, thì quyển sách hay nhất của Marc Levy trong tâm trí của mình là “Những đứa con của tự do”, một quyển sách riêng biệt, độc nhất, không chỉ bởi sự “lạc điệu” của nó trong một bộ sách sặc mùi diễm tình của Marc Levy, mà còn bởi cách đẩy cao cảm xúc của Marc Levy trong đó dường như đã đạt đến đỉnh điểm của “ảo ảnh”, mà còn bởi đó chính là quyển sách duy nhất Marc Levy không viết về tình yêu, không dùng tình yêu là nút thắt cho câu truyện, và sau cùng, đơn giản vì quyển sách này do Marc Levy viết tặng cho cha mình, một “đối tượng” mà hiếm có nhà văn nào đề tặng bên ngoài của những cuốn sách, hầu như chúng ta chỉ thấy họ đề tặng anh em, bạn bè, mẹ, chị gái, dì, cô cậu, người yêu, người cũ…v.v….

Thôi không sa đà vào “Những đứa con của tự do” nữa, trả diễn đàn về với “Ngày đầu tiên”, một quyển sách hay và rất hay, và chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Nhưng mật độ cảm xúc bị đẩy lên trong mình đã giảm rõ rệt cho đến cuốn thứ 9 này của Marc Levy, không rõ là vì những “hạt sạn” mình bắt được trong quá trình đọc sách, hay vì cách viết khá “cũ kỹ” và mô típ quá quen thuộc của Marc đã bắt đầu làm mình ngán(???)

photo

Marc rất giỏi trong việc phô bày kiến thức và xâu chuỗi các sự kiện, xâu chuỗi thời gian và kết nối các nhân vật để tạo ra một “mê cung” hoàn hảo cho plot truyện. Marc cũng rất giỏi trong việc dẫn dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, khiến người ta phải trầm trồ và ậm à thú vị khi mỗi trang sách được lật qua. Marc ở đây vẫn vậy, thú vị, dí dỏm, hài hước duyên dáng và rất thông minh trong cách xử lý thoại. Nhưng có một thứ không ổn: tâm lý nhân vật, mọi thứ diễn ra quá nhanh, mọi thứ “suôn sẻ” trên mức bình thường và những thứ ngẫu nhiên cứ xảy ra liên tục, trợ giúp cho các nhân vật chính nhiều quá khiến cho quyển tiểu thuyết trở nên nặng tính sắp xếp, nói đơn giản là quá dụng công và thiếu đi chất tự nhiên trước giờ luôn có ở Marc Levy.

Là một sự cố tình thay đổi từ Marc? Hay đơn giản là Marc vẫn vậy, chỉ có điều trước giờ mình không nhận ra điều đó?

Điểm trừ thứ hai cho quyển sách là có cái kết quá… hẫng cho người đọc, bởi là “bộ đôi” nên có lẽ phải đọc luôn cả “Đêm đầu tiên” (quyển chưa được xuất bản ở VN), người đọc mới giải tỏa được hết nỗi uất ức và đi hết được câu truyện mà Marc vẽ ra. Điều này thực ra có hai mặt của nó. Một mặt làm mới cái chất của Marc Levy, người trước giờ luôn để lại một cái kết happy ending cho tiểu thuyết của mình, mặt khác làm người đọc khó tính cảm thấy khó chịu, và có cảm giác bị… ép mua hai cuốn thay vì 1 cuốn, bị ép đọc hai cuốn thay vì 1 cuốn, dù điều đó không hề gì, nhưng với người đọc “thấp cổ bé họng” ở VN như mình, đọc xong cuốn này mà ko có cuốn kia để đọc thì quả là điên đầu.

Bộ đôi này làm mình nhớ đến Cưỡng cơn gió bấc và Con sóng thứ bảy. Hai cuốn này liền mạch và bám vào nhau rất chặt, nhưng đọc cuốn 1 xong không có cảm giác khó chịu, và nếu ko đọc tiếp cuốn 2 cũng chả sao. Nhưng ngược lại, phải đọc cuốn 1 thì đọc cuốn 2 mới thấy hay, còn đọc cuốn 2 mà không đọc cuốn 1 thì khó mà cảm được.

Ngoài ra, Marc Levy cũng từng có một bộ đôi khác là Nếu em không phải một giấc mơ & Gặp lại, điểm khác nhau giữa hai bộ này có lẽ là việc Marc Levy viết bộ sau (Ngày đầu tiên & Đêm đầu tiên) là có dụng công tạo thành 1 bộ, còn bộ trước (NEKPMGM & GL) thì không có, mà viết cuốn trước xong rồi mới nảy ra ý tưởng viết cuốn thứ hai.

Dù sao thì, mình thấy cuốn này, Ngày đầu tiên, cũng hay hơn “Mọi điều ta chưa nói” (Quyển thứ 8 của Marc Levy) một chút, và vẫn là quyển sách rất đáng đọc cho những ai yêu sách, dù là fan hay không là fan của Marc Levy đi chăng nữa. Với thể loại phiêu lưu kỳ ảo này, Marc Levy sẽ có thể chinh phục thêm nhiều đối tượng độc giả nữa, và sẽ đến gần hơn với mọi người. Một quyển sách rất rất nên đọc, hehe.

P/S: Chê thì chê nhiều vậy thôi, chứ đọc cuốn này cũng rần rần cảm xúc lắm! “Bình minh bắt đầu từ đâu???”

http://www.dailygalaxy.com/photos/uncategorized/2007/07/22/pelican_nebula.jpg

Ảnh: Tinh vân Bồ Nông - mấu chốt của truyện!

0 Responses