Khóc và cười
Thức dậy lúc 5h chiều, quơ tay rờ chiếc điện thoại bấm mãi chả thấy lên. Hiểu lun, hết pin rùi. Vừa gắn đồ sạc vừa run vì sợ bị tin nhắn và các cuộc gọi lỡ đập vào đầu. Mở máy lên xong chưa kịp vào toilet đã nhận liên tiếp 3 cuộc gọi, nói tới nỗi nước bọt khô hết trong cổ họng mới được tha. Hức hức, khổ quá.
Thôi trở về chuyên môn chính: Viết blog, hihi
Mấy nay viết phim nhiều ròi, thôi hum ni viết về sách vậy, mặc dù đang phải đối mặt với một sự thật mà với mình nó còn kinh khủng hơn chuyện ra đường gặp lô cốt kẹt xe, là đã lâu lắm rồi mình ko đọc được một cuốn sách nào hoàn chỉnh.
“Ăn, cầu nguyện, yêu” đọc mới được ½ thì bị delay bởi hằng hà sa số những deadline chặn vùn vụt vào các thể loại giờ giấc, giờ thì mỗi ngày dành được vài phút ra gặm vài trang thì đúng là may mắn lắm. Báo chí mua về đủ các thể loại cũng chỉ lướt sơ qua tít bài, hình ảnh và tên tác giả thì tịt luôn, chả đọc được nội dung nên cái chồng báo “chưa đọc xong” cứ gọi lại tăng vùn vụt như quả núi, chả biết cất vào đâu.
Nhân tiện nói về sách, lại nói về Marc Levy và Murakami, chẳng biết viết tên ông này có đúng chưa nữa, ngày xưa mình toàn gọi ổng là Harakumi, giờ mới biết là mình viết sai, há há. Hình như ai đọc sách, mê sách, nếu mê bác này thì ghét bác kia, và ngược lại. Vì phong cách của Marc Levy và Murakami hoàn toàn trái ngược nhau, và thậm chí cả những hệ tư tưởng, thế giới quan và các khái niệm về những điều cơ bản nhất cũng chỏi nhau như gà với vịt.
Mình có tưởng tượng, so sánh khập khiễng tý nhé, Marc levy và Murakami giống như là Hồ Quỳnh Hương và Myta ngày xưa, đều tài năng, hát hay, giọng khỏe, nhưng antifan cũng đông như quân nguyên và các fan cũng có xu hướng ném đá nhau, hehe. Mình thì prefer HQH hơn, vi giọng và phong cách của HQH lạ hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng Myta thì càng đi sâu càng dịu dàng, càng dấn thân càng mãnh liệt, càng ngày càng thấy Myta có nét đẹp cũng rất đằm thăm và duyên dáng hơn, ngược lại, HQH đến bây giờ vẫn đứng yên tại chỗ ?
Ẹc, lạc đề.
Giờ thì mình đã hết ghét Murakami và “Rừng Na Uy”, chung quy cũng tại đi đâu cũng nghe ca ngợi, sợ phát ngôn ra thì anti fan oánh bỏ mẹ, nhưng ngày xưa rõ ràng là mình ghét “Rừng Na Uy” không phải vì nó dở, mà đơn giản là hệ tư tưởng trong quyển sách này khác với mình. Và, mặc dù khác, nó vẫn làm dấy lên và khuấy động một chút gì đó rất đau thương và khốn khổ trong mình. Nó như một vết dao, làm lầy đi những vết sẹo đang rỉ máu, và nói cho cùng, nó khai phá những bản ngã sâu kín nhất trong tâm hồn con người, để từ đó, phơi bày những điều rất trần trụi về cuộc sống, mệt nhọc trong tâm hồn con người.
Mình đã hết ghét RNU, vì bây giờ mình vui, nhưng mỗi lúc mình buồn, mình vẫn không thích nó. Mình thích Marc Levy, vì bác Marc viết những điều, có thể không thật, nhưng nó vui. Sau mỗi quyển sách mà Marc khép lại, mình có thể cười, và nhắm mắt ngủ để những điều bình yên, ngoan hiền thấm sâu vào từng thớ thịt trong cơ thể. Mình có thể vui, thậm chí có nhiều sinh lực như một kẻ vừa tìm lại được chân lý của đời mình, dù phong cách viết diễm tình lãng mạn sến, ảo ảnh vô cùng của Marc Levy cộng với cách viết trước sau như một của bác ấy khiến nhiều người ko thích. Và chê là ko hàn lâm.
Thì đúng là Murakami viết hàn lâm hơn, đa dạng hơn. Và Rừng Nauy thì không giống với Kafka bên bờ biển, khác xa với Biên niên ký chim vặn dây cót, độc lập hẳn đi so với Phia nam biên giới, phía tây mặt trời. Murakami có lối viết biến dạng, đa phong cách, nhưng sau mỗi quyển sách khép lại là một sự day dứt đầy thống khổ. Nói thật, và thẳng thắn, một người đang chán đời sau khi đọc sách của Murakami thì khả năng tự tử tăng cao chắc đến 50%, vì những chết chóc, thúc bách, bí ẩn và nỗi đau mà ông khai thác. Murakami sở hữu một lối viết không nhân nhượng, hoàn toàn kịch liệt và mình có cảm giác như ông muốn đẩy nhân vật của mình đi đến tận cùng chân tường, gây ra những phơi bày về tâm lý hết sức chân thật. Thật nhưng đau lòng.
Nhưng nói Marc Levy không biết thay đổi thì oan cho Marc, mình cho rằng bất cứ ai đã đọc hết 7 cuốn của Marc, dù là mê hay ko, cũng ko thể phủ nhận sự mê đắm và lòng yêu cuộc sống bất tận của cây bút này là không thể dừng lại. Có ai nói rằng “nếu em không phải một giấc mơ” chỉ là một áng văn chương ảo ảnh và thiếu giá trị về khắc họa cuộc sống, nhưng với mình thì nó mãi mãi là một kỷ niệm đẹp, dù đã tan ra hư vô. Và Kiếp sau là một trường hợp đặc biết của sự pha trộn giữa hình sự, tâm lý, hành động và tình yêu, những hình ảnh rõ nét và sống động. và Bạn tôi, tình tôi là là một chân dung khác về góc nhỏ cuộc đời, và hơn bao giờ hết, Những đứa con của tự do là quyển sách viết về chiến tranh hay nhất thế giới (dĩ nhiên, chỉ là trong tư tưởng chủ quan của mình). Nhưng như vậy là quá đủ, phải ko ?
Mình đang chờ quyển sách tiếp theo của Marc, và, có lẽ mình sẽ đọc thử Người tình Sputnik của Murakami, suy cho cùng có lẽ mình cũng ko nên làm antifan của ai cả, vì cả hai đều tài năng. Một bên viết sách làm người ta khóc, một bên viết sách cho người ta cười.
Khóc và cười, suy cho cùng thì nước mắt và tiếng cười đều quý giá như nhau. Đúng vậy không ?
Thật tình là rất vui khi được biết blog của bạn. Sẽ dành thời gian đọc hết những entry này và luôn chờ đón những entry mới. Người viết những dòng này thì lại rất thích Murakami, nhất là tập Đom Đóm và Rừng Na Uy. Mỗi khi chán đời là lôi chúng ra, đọc bất cứ đoạn nào. lạ là, càng đọc càng tỉnh táo và thăng bằng hơn trong cảm xúc.Chứ hem có muốn tự xử, nhầm, tự tử, như bạn nói, hihi. Chúc bạn vui, khỏe và co nhiều entry sâu sắc nhé!
Cảm ơn bạn :)